Với người làm XM, thời điểm giáp tết và sau tết là “điểm rơi” bởi thị trường tiêu thụ chậm, sức mua giảm, các nhà máy phải sản xuất cầm chừng. Năm nay “điểm rơi” ấy may mắn diễn ra trong 2 tháng. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2013 thì năm 2014 khởi đầu thuận lợi hơn.
Nếu lượng XM tiêu thụ tháng 01/2014 là 3,75 triệu tấn, bằng 64% so tháng 12/2013, bằng 92,4% so tháng 01/2013 (trong đó, tiêu thụ nội địa 2,93 triệu tấn, xuất khẩu 0,82 triệu tấn) thì sản phẩm XM tiêu thụ tháng 02/2014 là 3,910 triệu tấn, bằng 150% so tháng 02/2013 (tiêu thụ trong nước là 2,490 triệu tấn, bằng 117% so tháng 02/2013; xuất khẩu 1,42 triệu tấn bằng 149% so cùng kỳ năm 2013).
Lượng tồn kho XM không đáng lo ngại bởi trong số 2,65 triệu tấn tồn kho, chủ yếu là clinker, tương đương 12- 14 ngày sản xuất.
Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội XM Việt Nam cho biết: Giá bán XM tháng 1 cơ bản ổn định nhưng tháng 2/2014, giá bán XM tại một số DN nhỏ đã giảm khoảng 30.000 - 50.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, tình trạng giảm giá không diễn ra phổ biến.
Lý giải nguyên nhân giảm giá XM của một số thương hiệu XM, ông Cung cho rằng: Do cận và sau tết sức tiêu thụ ít, một số DN giảm giá để cạnh tranh giành thị phần. Còn về cơ bản giá XM trong năm 2014 khá ổn định.
Năm 2014, dự báo cạnh tranh của ngành XM sẽ gay gắt, khốc liệt hơn bởi sẽ có thêm 5 dây chuyền với hơn 7 triệu tấn công suất được đưa vào vận hành trong nửa cuối năm 2014.
Ý thức được áp lực cạnh tranh tăng, nhiều DN XM đã chủ động xây dựng kế hoạch đẩy mạnh tiêu thụ, gia tăng thị phần phù hợp với thực tế.
Ngành thép đang tồn tại nghịch lý thừa phải xuất nhưng vẫn tăng nhập khẩu.
Tiêu thụ thép giảm…
Nếu sản xuất và tiêu thụ XM 2 tháng đầu năm 2014 có dấu hiệu khả quan hơn năm 2013 thì ngành Thép vẫn tiếp tục đối mặt với thế khó bởi lượng sản xuất, tiêu thụ và giá bán đều giảm so cùng kỳ năm 2013.
Theo Bộ Công thương, tính chung 2 tháng đầu năm lượng sắt thép thô sản xuất chỉ đạt 283.000 tấn, giảm 26,5% so với cùng kỳ; thép thanh, thép góc đạt 430.000 tấn, giảm 4,7% so với cùng kỳ. Chỉ có sản phẩm thép cán 2 thanh tăng 22% so cùng kỳ, đạt 482.000 tấn.
Còn Hiệp hội Thép Việt Nam thì dự báo nhu cầu thép cả nước năm 2014 không tăng đột biến, tổng tiêu thụ thép chỉ đạt 12,2 - 12,5 triệu tấn, tăng 3-5% so với năm 2013. Do công suất sản xuất thép dư thừa, cạnh tranh giữa các DN sản xuất thép ngày càng khốc liệt, hệ quả ắt sẽ có thêm DN phải ngừng sản xuất do không cạnh tranh được với DN năng suất cao, giá thành hạ.
XM tăng xuất khẩu, thép tăng nhập khẩu
Theo ông Nguyễn Quang Cung, đầu năm 2014 khởi đầu khá thuận lợi với ngành XM khi lượng XM tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đều có xu hướng tăng. Xuất khẩu sản phẩm XM 2 tháng đầu năm 2014 là 2,24 triệu tấn, bằng 150% so cùng kỳ năm 2013.
Tiêu thụ trong nước khó, các DN Thép phải tìm đường xuất khẩu tới 26 quốc gia trên thế giới như Brazil, Mỹ, các nước thuộc khu vực Đông Nam Á…
Nhưng một nghịch lý đang tồn tại ở ngành này là khi thị trường trong nước dư cung, bên cạnh những DN phải tìm đường xuất khẩu, giải phóng hàng tồn thì vẫn còn những DN tiếp tục nhập khẩu sắt thép, khiến con số sắt thép nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2014 lên đến 1,43 triệu tấn, tăng 7,2% về lượng và 2,4% về giá trị so cùng kỳ năm 2013.
Theo Vũ Huyền
Báo Xây dựng