Thị trường thép thế giới trải qua một năm đầy biến động trong bầu không khí khủng hoảng kinh tế bao trùm, khiến nhu cầu tiêu thụ thép suy yếu, nguồn cung dư thừa, tồn kho lớn, giao dịch chậm lại, giá nguyên liệu thô tăng cao, giá thép giảm. Song với nỗ lực vượt qua khó khăn, từ nửa cuối năm, kinh tế thế giới đã và đang có nhiều dấu hiệu phục hồi rõ nét hơn đặc biệt là sự khởi sắc của các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu, tuy tăng trưởng chậm nhưng bền vững hơn. Đây là những tín hiệu tích cực thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép, hỗ trợ thị trường thép.
Diễn biến giá:
Giá thép thế giới biến động mạnh theo xu hướng giảm trong năm 2013. Giá thép tăng mạnh nhất vào tháng 2 nhờ hoạt động tái thiết dự trữ của Trung Quốc và giảm mạnh nhất vào tháng 7, chạm mức thấp nhất 40 tháng, trong bối cảnh nguồn cung dư thừa và nhu cầu nghèo nàn ở khắp các châu lục.
Tháng cuối năm, giá thép tăng cao tại Bắc Mỹ và Liên minh châu Âu đã đẩy chỉ số giá thép tham khảo thế giới tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2013. Nguyên nhân chính là do giá nguyên liệu đầu vào cao khiến các doanh nghiệp phải nâng giá thép để bù vào chi phí, nhu cầu mạnh lên trong khi nguồn cung thắt chặt, dự trữ giảm.
Tại Mỹ, giá thép được hỗ trợ trong nửa cuối năm nhờ hồi phục kinh tế mạnh mẽ, người tiêu dùng tái thiết dự trữ và nguồn cung gián đoạn tại các nhà sản xuất lớn AK Steel và U.S. Steel cũng như các hoạt động chống phá giá. Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thép dẹt ổn định song dự kiến có nhiều dấu hiệu tăng trưởng ngắn đồng thời dự trữ tại dây chuyền cung ứng được kiểm soát chặt chẽ ở mức thấp. Giá giao dịch tại các nhà máy tiếp tục leo thang so với 11.
Tại Châu Âu, các nhà máy thép tại một số nước mới đây đã có các biện pháp ngăn chặn làn sóng giảm giá. Nhiều khách hàng đã bắt đầu ký hợp đồng giao vào đầu năm 2014. Nhiều nhà máy thép châu Âu đã thông báo tăng giá thép đồng thời dự kiến cắt giảm sản xuất trong mùa đông này.
Tại Tây Âu, nhu cầu vẫn yếu trong cả khu vực. Các cuộc thương lượng đang được tiến hành song triển vọng tăng giá các sản phẩm thép dẹt trong quý đầu năm tới không chắc chắn. Giá thép dài tăng nhẹ do giá phế liệu tăng.
Tại châu Á, kinh tế Nhật Bản tiếp tục hồi phục đẩy mạnh tiêu thụ thép. Các nhà máy đang hoạt động chậm lại song chắc chắn, bảo đảm quá trình tăng giá của họ. Dự trữ tại các thương gia được kiểm soát rất tốt. Kim ngạch xuất khẩu tăng cao nhờ đồng yên yếu song khối lượng giảm do nhu cầu yếu tại một số thị trường châu Á chính.
Ngược lại, tại Trung Quốc, mức tiêu thụ thép đã giảm trong 6 tháng cuối năm nay. Sản lượng thép thô đã được cắt giảm song không biết có đủ bù đắp cho nhu cầu trì trệ suốt mùa đông hay không.Sản lượng thép thô trong tháng 11 đã giảm chỉ còn hơn 60 triệu tấn, với sản lượng hàng ngày giảm 3,34% so với tháng 10 còn 2,029 triệu tấn/ngày, đây là mức thấp nhất của năm nay. Những biện pháp kiểm soát môi trường gần đây của chính quyền ở miền bắc và miền đông Trung Quốc đã làm gián đoạn sản lượng hơn nữa tại một số nhà máy thép và điều này có thể tạo lực đẩy tích cực cho thị trường. Tuy nhiên, nguồn cung giảm đã không đủ để giúp giá phục hồi do nhu cầu tiêu dùng trực tiếp cũng trì trệ theo vào mùa đông. Các công trình xây dựng ngoài trời ở miền bắc phải tạm ngưng do thời tiết lạnh dưới 0oC và không có hoạt động tích trữ thép cuối năm đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức tiêu thụ thép.
Đồ thị 1: Chỉ số giá thép thế giới từ 20/12/2012 đến 20/12/2013
MEPS dự kiến sản lượng thép thế giới sẽ đạt 1,6 tỷ tấn trong năm 2013. Việc cắt giảm sản xuất tại hầu hết các vùng trên thế giới sẽ nhiều hơn bù lại hoạt động mạnh tại Trung Quốc.
Sản lượng thép tại EU trong năm nay sẽ giảm còn 163 triệu tấn, giảm 3,3% so với năm ngoái. Sản lượng thép thô tại SNG và các nước châu Âu khác, dự kiến đạt trên 147 triệu tấn trong năm nay, giảm 2,6% so với năm 2012. Sản lượng tại Bắc Mỹ dự kiến đạt dưới 120 triệu tấn trong năm nay, giảm 3,1% do sản xuất giảm tại 3 thành viên của NAFTA.
Sản lượng thép thô tại Nam Mỹ đạt 46,2 triệu tấn, tương đối ổn định so với mức 2012. Sản lượng tại châu Phi dự kiến giảm 0,9% còn 15,2 triệu tấn. Sản lượng thép tại Trung Đông đạt 26,9 triệu tấn, tăng lần thứ 5 liên tiếp. Sản lượng thép tại châu Á đạt gần 1,07 tỷ tấn, tăng 5,9%.
Hiệp hội Thép thế giới dự kiến tiêu thụ thép toàn cầu sẽ tăng 3,1% trong năm 2013 đạt 1,475 tỷ tấn, trong đó tiêu thụ thép của Trung Quốc ước tăng 6% đạt 700 triệu tấn. Tiêu thụ thép của Liên minh châu Âu (27 nước) giảm 3,8% còn 135 triệu tấn.
Bảng 1: Tiêu dùng thép thế giới năm 2013 của Hiệp hội thép thế giới
Tên nước
|
Tiêu thụ (triệu tấn) |
So với 2012 (%)
|
Liên Minh châu Âu (27) |
135
|
-3,8
|
Các nước châu Âu khác |
37
|
5,5
|
SNG |
59
|
3,0
|
NAFTA |
132
|
0,2
|
Trung và Nam Mỹ |
49
|
2,8
|
Châu Phi |
28
|
4,3
|
Trung Đông |
49
|
1,3
|
Châu Á và châu Đại Dương |
986
|
4,6
|
Thế giới |
1475
|
3,1
|
Các nước đã phát triển |
384
|
-1,6
|
Các nước đang phát triển và mới nổi |
1091
|
4,9
|
Trung Quốc |
700
|
6,0
|
BRIC |
843
|
5,6
|
MENA |
64
|
1,7
|
Thế giới trừ Trung Quốc |
775
|
0,7
|
II. THỊ TRƯỜNG QUẶNG SẮT THẾ GIỚI
Giá quặng sắt- nguyên liệu thô để chế tạo thép - biến động theo xu hướng giảm trong năm 2013. Sau khi giảm mạnh xuống mức thấp nhất kể từ mùa thu năm 2011 trong tháng 6, giá đã tăng đáng kể trong nửa cuối năm.
Nguyên nhân chính khiến giá giảm mạnh là do các nhà kinh doanh và các nhà sản xuất thép lo ngại nhu cầu Trung Quốc yếu đi. Quỹ tiền tệ quốc tế đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng Trung Quốc trong năm nay từ 8% xuống 7,75% vào thời điểm đó. Điều này khiến các nhà đầu tư lo ngại về khả năng nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc suy giảm mạnh hơn dự kiến gây giảm lòng tin vào quặng sắt và gây hoảng loạn tâm lý các nhà đầu tư. Ngoài ra, giá thép lao dốc đã khiến các nhà máy sản xuất cắt giảm quy mô sản xuất, giảm lượng quặng nguyên liệu dự trữ.
Kinh tế thế giới khởi sắc trong nửa cuối năm trong khi nguồn cung yếu đi tại hai nước khai thác quặng chính trên thế giới là Australia và Brazil và nhập khẩu quặng tăng mạnh từ Trung Quốc là các yếu tố chính hỗ trợ thị trường.Thị trường thép mạnh lên khiến các nhà máy mở rộng sản xuất cũng khiến đẩy mạnh tiêu thụ quặng sắt.
Đồ thị cho thấy giá quặng sắt nhập khẩu biến động mạnh hơn và rẻ hơn nhiều so với giá quặng sắt trong nước.
Theo dự báo của tập đoàn tài chính Morgan Stanley, thị trường quặng sắt được vận chuyển qua đường biển sẽ thiếu hụt 25 triệu tấn trong nửa đầu năm 2014, sau đó chuyển sang trạng thái dư thừa 49 triệu tấn trong giai đoạn nửa cuối năm 2014.Tập đoàn đã nâng mức dự báo giá quặng sắt trong quý I và II/2014 do nhu cầu toàn cầu đang phục hồi trở lại và thị trường quặng sắt vẫn trong tình trạng thiếu hụt tương đối trong năm 2014.
Trong khi đó, tập đoàn tài chính UBS AG (Thụy Sĩ) cho biết, sự gia tăng nguồn cung từ Australia, quốc gia xuất khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới, sẽ đẩy lượng dư cung quặng sắt trên toàn cầu lên mức 154 triệu tấn, tăng so với mức 24 triệu tấn trong năm 2013. Tập đoàn HSBC và tập đoàn ngân hàng Deutsche Bank AG (Đức) cũng dự báo mức dư cung quặng sắt trong năm 2014 lần lượt đạt 45 triệu tấn và 75 triệu tấn.
Hãng Clarkson Plc (Anh), hãng môi giới tàu biển lớn nhất thế giới, dự báo khối lượng mậu dịch của quặng sắt sẽ tăng 7,1% lên mức cao kỷ lục 1,27 tỷ tấn trong năm 2014. Lượng quặng sắt được Trung Quốc nhập khẩu dự kiến sẽ tăng 9,5% lên mức 865 triệu tấn – theo hãng Clarkson Plc.
Thị trường lo ngại sự gia tăng nguồn cung quặng sắt từ các nhà khai thác tại Australia sẽ đẩy thị trường quặng sắt được vận chuyển qua đường biển sẽ lần đầu tiên kể từ năm 2010 rơi vào trạng thái dư cung trong năm 2014.
Lượng quặng sắt khai thác trên toàn cầu hiện đang gia tăng và khiến thị trường dần chuyển sang trạng thái dư thừa khi mà các nhà khai khoáng lớn nhất thế giới như BHP, Rio Tinto hay Vale SA mở rộng hoạt động khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc.
Hãng khai khoáng Rio Tinto đã mở rộng hoạt động khai thác tại Australia lên mức 290 triệu tấn/năm và đang nghiên cứu nâng lên mức 360 triệu tấn/năm. Hãng khai khoáng Fortescue Metals cũng cho biết, hãng này đang trong quá trình nâng công suất lên mức 155 triệu tấn vào cuối năm 2013.
Các chuyên gia nhận định sự thiếu hụt quặng sắt trên thị trường sẽ kéo dài đến nửa đầu năm 2014, trước khi chuyển sang trạng thái dư thừa. Lượng quặng sắt thiếu hụt được dự báo sẽ thu hẹp từ mức 71 triệu tấn trong nửa cuối năm 2013 xuống còn 25 triệu tấn trong nửa cuối năm 2014, sau đó chuyển sang tình trạng dư thừa 49 triệu tấn trong nửa cuối năm 2014.
Trong một báo cáo được công bố vào tháng 10/2013, Morgan Stanley đã nâng dự báo giá quặng sắt lên mức trung bình 130 USD/tấn trong quý I/2014 và 120 USD/tấn trong quý II/2014, tăng so với mức 125 USD/tấn và 117 USD/tấn được đưa ra trong dự báo trước đó.
Trong khi đó, tập đoàn tài chính HSBC Holdings Plc (Anh) dự báo giá quặng sắt sẽ đạt mức trung bình 115 USD/tấn trong năm 2014. Vào ngày 8/10/2013, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại tập đoàn Credit Suisse Group AG (Thụy Sĩ), ông Ric Deverell dự báo giá quặng sắt sẽ giảm xuống trong năm tới.
Tập đoàn tài chính Goldman Sachs Group Inc. (Mỹ) dự báo tình trạng dư cung quặng sắt trên toàn cầu sẽ xảy ra trong quý II/2014 và đưa lại dự báo giá quặng sắt trung bình trong năm 2014 tại mức 108 USD/tấn, thấp hơn 21% so với mức giá hiện tại.
Theo khảo sát của hãng tin Bloomberg đối với 11 chuyên gia phân tích, giá quặng sắt có thể đạt mức trung bình 115 USD/tấn trong năm 2014 – mức giá thấp nhất kể từ năm 2009.
Trong tháng trước, Cục tài nguyên và kinh tế năng lượng Australia đã nâng dự báo giá quặng sắt năm 2014 lên mức 119 USD/tấn, tăng so với mức 112 USD/tấn được đưa ra vào tháng 6/2013 do nhu cầu sử dụng quặng sắt của Trung Quốc tăng lên.
Theo một báo cáo được đưa ra vào tháng 10/2013, World Bank dự báo giá quặng sắt sẽ đạt mức trung bình 135 USD/tấn, tăng so với mức dự báo hồi tháng 7/2013 với 125 USD/tấn.
Tập đoàn tài chính Standard Bank (Anh) dự báo giá quặng sắt sẽ đạt mức trung bình 122 USD/tấn trong năm 2014, tăng 14% so với dự báo trước đây.
Năm 2013 được xem là một năm khó khăn nữa đối với ngành thép trong nước do nền kinh tế suy thoái, bất động sản đóng băng khiến tiêu thụ thép giảm mạnh; gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản còn nhiều vướng mắc chưa phát huy tác dụng; công suất sản xuất lớn khiến cung vượt cầu đồng thời phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu thép có chứa nguyên tố Bo trốn thuế.
Khó khăn và yếu kém nhất của ngành thép hiện nay là do nguồn vốn hạn chế, phụ thuộc chủ yếu đi vay, nguồn nguyên liệu phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu phôi, cộng với công nghệ lạc hậu... dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao, từ đó tạo nên sức cạnh tranh yếu. Theo số liệu thống kê, hiện có gần 30% doanh nghiệp ngành thép sử dụng công nghệ lạc hậu, hơn 40% sử dụng công nghệ ở mức trung bình. Chỉ khoảng 30% sử dụng công nghệ tiên tiến và hiện đại.
Tăng trưởng toàn ngành trong năm nay dự kiến khoảng 7%. Sản lượng thép thành phẩm đạt khoảng 10 triệu tấn, tăng khoảng 8,5% so với năm 2012, trong khi đó, lượng thép tiêu thụ thực tế của cả nước chỉ đạt 1/3 công suất thiết kế của các nhà máy, vì vậy ngành thép vẫn đang trong tình trạng khó khăn về tiêu thụ sản phẩm.
Trước thực tế này, nhiều DN thép đã tìm cách mở rộng thị trường tiêu thụ ra các nước như Mỹ, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Campuchia.
Ước tính hết năm nay, các doanh nghiệp sẽ xuất khẩu khoảng 2,5 triệu tấn thép và các sản phẩm về thép, giá trị kim ngạch đạt trên 2 tỷ USD. Một số sản phẩm thép có lượng xuất khẩu tăng cao như tôn mạ kim loại và sơn phủ màu (tăng 62,8%), ước đạt gần 800.000 tấn, tiếp theo là thép hình, thép không gỉ lần lượt tăng 46% và 39%. Tuy nhiên, lượng ống thép không hàn chủ yếu là tái xuất khẩu do trong nước chưa sản xuất được tăng 60%.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm nay, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội sản xuất gần 5 triệu tấn thép và tiêu thụ hơn 4,6 triệu tấn, lượng thép tồn kho còn khoảng 300.000 tấn.
Theo các số liệu của Tổng cục Hải quan, tính tới 15/12, Việt Nam đã nhập khẩu 9 triệu tấn sắt thép các loại, trị giá 6,5 tỷ USD, tăng 25% về lượng và tăng 14% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Như vậy là năm nay thị trường thép nhập siêu khoảng 5 tỷ USD, tương đương với mức năm ngoái.
Giá thép năm nay có chiều hướng giảm. Tháng cuối năm, giá bán đầu nguồn các mặt hàng thép xây dựng giảm ở cả Miền Bắc và Miền Nam do sức tiêu thụ hạn chế cũng như nhiều doanh nghiệp giảm giá (lãi suất ngân hàng giảm dẫn đến chi phí tài chính giảm, chi phí nguyên vật liệu giảm...). Hiện Tổng công ty Thép Việt Nam đã điều chỉnh giảm giá bán thép xây dựng từ ngày 04/11/2013 với mức giảm 700 đồng/kg. Các công ty liên doanh với Tổng công ty Thép Việt Nam vẫn giữ ổn định giá bán.
Đồ thị 4: Diễn biến giá thép trong nước từ tháng 3/2010 tới nay. (Đvt:1.000đồng/kg)
Nguồn: Tổng công ty thép Việt Nam
Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) dự kiến doanh thu của ngành thép trong năm 2014 sẽ tăng 2-3% so với năm nay lên 4,6 triệu tấn. Khả năng tiêu thụ thép sẽ không nhiều đột biến, có thể mức tăng khoảng từ 2-3% so với năm 2013. Thị trường thép những tháng đầu năm dự kiến sẽ trầm lắng, nhu cầu giảm mạnh do không phải mùa xây dựng, giá thép sẽ giảm nhẹ.
Về trung và dài hạn, ngành thép vẫn hứa hẹn nhiều tiềm năng tăng trưởng do tốc độ đô thị hóa ngày một gia tăng. Mục tiêu phát triển 1.000 trung tâm đô thị vào năm 2025 cùng tiêu chuẩn nhà ở tại khu vực thành thị được cải thiện sẽ thúc đẩy đầu tư cho xây dựng và hạ tầng, khiến nhu cầu tiêu thụ thép tiếp tục tăng trưởng trong tương lai
Hiệp hội Thép thế giới (WSA) dự kiến nhu cầu tiêu thụ thép toàn cầu sẽ tăng 3,3% lên 1,52 tỷ tấn trong năm tới. Tiêu thụ thép toàn cầu không tăng mạnh là do khủng hoảng tài chính toàn cầu, đặc biệt tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, các nền kinh tế lớn mới nổi như Ấn Độ và Brazil đã không tăng trưởng như kỳ vọng do các vấn đề về cơ cấu. Nhu cầu thép ở Trung Quốc dự kiến sẽ chỉ tăng 3% do những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm cân bằng lại nền kinh tế, tiếp tục hạn chế các hoạt động đầu tư.
Tuy nhiên, tổ chức này cũng nhìn thấy nhiều tín hiệu tích cực phát đi từ nửa cuối năm 2013 và tin rằng Mỹ sẽ sớm giải quyết được rào cản về tài khóa, kinh tế Trung Quốc sẽ bớt giảm tốc và kinh tế Nhật phục hồi nhanh chóng, kinh tế EU sẽ bớt khủng hoảng.
Sau hai năm giảm liên tiếp, nhu cầu thép của Liên minh châu Âu dự kiến tăng 2,1% lên 137,8 triệu tấn. Tiêu thụ tại Ấn Độ sẽ tăng 5,6% và tại Mỹ tăng 3% trong năm tới.
MEPS, công ty Anh chuyên dự kiến về thị trường thép, dự kiến sản lượng thép thô thế giới sẽ đạt 1,65 tỷ tấn trong năm 2014. Việc cắt giảm sản xuất tại hầu hết các vùng trên thế giới sẽ nhiều hơn bù lại sản lượng tăng cao tại Trung Quốc.
Theo Hiệp hội sắt thép Trung Quốc, sản lượng thép của nước sản xuất thép lớn nhất thế giới này dự kiến sẽ vượt 800 triệu tấn vào năm tới do tăng cường đầu tư tài sản cố định và tăng trưởng kinh tế vẫn ổn định.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này có thể sẽ tăng 7,6% trong năm nay và 7,4% trong năm tới do khắc phục được các vấn đề nợ chính phủ và cải cách tài chính.
Mới đây, ngân hàng Thụy Sĩ UBS đã nhận định rằng sản lượng thép thô của châu Âu trong tháng quý đầu năm 2014 sẽ tăng mạnh và gây áp lực lên bất kỳ khả năng phục hồi nào của thị trường nội địa. Nhu cầu tiêu thụ yếu và thị trường không tăng trưởng cũng như xuất khẩu không đủ mạnh để cân bằng với nguồn cung tăng.
Trong qúy I/2014, châu Âu sẽ có thêm 10-12 triệu tấn thép thô được sản xuất, nghĩa là tăng khoảng 4-6% so với cùng kỳ năm 2013. Điều này sẽ gây tác động tiêu cực tới lợi nhuận của các nhà máy trong năm 2014. Các nhà máy Châu Âu có xu hướng bỏ qua thực tế rằng họ không thể tiếp tục là các nhà xuất khẩu quan trọng trong tương lai nữa và các biến động ngoại hối đang đẩy nhanh tiến trình này.
Trong khi công suất sản xuất thép Châu Âu được thiết kế nhằm phục vụ nhu cầu xuất khẩu thì các bạn hàng truyền thống của họ đã tự cung cấp, chẳng hạn như Châu Á, Trung Đông và Bắc Mỹ.
Đồ thị 3: Diễn biến giá thép các bon trung bình thế giới của MEPS từ 2008 đến 2017 (Đvt: USD/tấn).
Về dài hạn, MEPS dự kiến giá thép thế giới sẽ hồi phục trong 3 năm tới. Năm 2013 sẽ là điểm giá thấp nhất của chu kỳ này. Tiêu thụ sẽ bắt đầu tăng trong năm 2014 nhờ có kinh tế được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn cần phải khắc phục. Những hạn chế chi tiêu của chính phủ tại các nước phương tây dự kiến tiếp tục hạn chế hoạt động xây dựng và cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ thép tại Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại. Người mua trên toàn thế giới chắc chắn vẫn thận trọng trong việc tái thiết dự trữ. Việc giảm giá quặng sắt dự kiến trong trung hạn. Ngoài ra, các nhà máy sẽ cố gắng tăng cường bán để thu lời vào thời điểm nhu cầu gia tăng. Tất cả những điều này sẽ hạn chế triển vọng tăng giá.
(Nguồn: Vinanet.com.vn)